Tiểu đoàn Phú Lợi ra đời trong bối cảnh “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy bước vào giai đoạn thất bại; Mỹ chuẩn bị tiến hành một kiểu chiến tranh mới, “chiến tranh cục bộ”. Trước yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, đòi hỏi gấp rút phải có đơn vị chủ lực tập trung cơ động, thực hành tác chiến tiêu diệt địch, gây tác động mạnh đối với địch và hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, tháng 11/1964, Tỉnh ủy quyết định tập trung các đại đội 304, 306, 308 và đại đội 4 trợ chiến hình thành lâm thời tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh. 19 giờ ngày 05/6/1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Muôn, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng), Tiểu đoàn Phú Lợi chính thức được thành lập.
“Ban đầu, tiểu đoàn định lấy tên 303 - một tiểu đoàn có nhiều chiến công và truyền thống trong đánh Pháp, nhưng 303 đã được đơn vị tỉnh bạn chọn làm phiên hiệu, do đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thống nhất lấy tên Tiểu đoàn Phú Lợi. Tên này gắn với sự kiện địch dùng thuốc độc cùng lúc giết hại hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngày 01/12/1958 tại nhà tù Phú Lợi. Quân dân Sông Bé ghi mãi mối thù không đội trời chung, mối thù “trời không dung - đất không tha - người người đều căm giận”. Và Tiểu đoàn Phú Lợi mang trách nhiệm phải trả cho được mối thù này, góp sức cùng quân dân toàn tỉnh, toàn miền Nam tiêu diệt hết bè lũ cướp nước và bán nước giải phóng quê hương”.
Trong khi đó tại bến Đồng Sổ, tiểu đoàn biệt kích, tính báo Mỹ đóng quân tại đây nổi tiếng ác ôn và ngoan cố, thường xuyên đánh phá, càn quét vào cứ điểm của quân ta khi có thông tin lợi thế về quân số. Gây không ít khó khăn cho lực lượng cách mạng tại đây.
Trong trận tập kích đánh tiểu đoàn biệt kích Mỹ tại bến Đồng Sổ, xã Lai Uyên (nay là thị trấn Lai Uyên) vào đêm 29/12/1964. Sau trận tập kích mang tính chất tiêu diệt, tiểu đoàn diệt hơn 80 tên, bắt sống 52 tên, thu 105 súng các loại. Số quân địch còn sống sót thoát chạy về co cụm ở các căn cứ gần đó tử thủ.
Sau chiến thắng giòn giã tại khu vực bến Đồng Sổ thuộc huyện Bàu Bàng hiện nay, đồng chí 5 Hảo và 5 Châu thay mặt cho Ban liên lạc Trung đoàn Phú lợi xây dựng lên tấm bia để ghi nhớ chiến thắng tại đây, thời điểm đầu năm 1965.
Trận đánh tại bến Đồng Sổ có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền giành chính quyền về tay nhân dân từ Lai Khê đến Chơn Thành. Đưa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từng bước đi lên góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.